Cơ bản về máy ảnh: tìm hiểu thông số ISO
TTO - Khi mới chập chững cầm ống ngắm và muốn chụp những bức ảnh đẹp, một trong những yếu tố cần quan tâm đầu tiên là thông số ISO trên máy ảnh, với những tùy chỉnh rất quan trọng.
Ảnh chụp ở ISO 1000 - tốc độ 1/15 giây và khẩu độ f/5.6 |
Trước đây, khi sử dụng phim để chụp, thợ ảnh phải làm quen, nhận diện được từng loại khác nhau, vì chúng có những tốc độ riêng biệt. Tốc độ phim càng cao, độ nhạy sáng càng tốt, cho phép người chụp thiết lập tốc độ màn trập nhanh hơn so với phim thường.
Khi chụp các đối tượng chuyển động, loại phim có cảm biến cao tỏ rõ hiệu quả, nhất là trong điều kiện ánh sáng yếu. Tốc độ của phim được đo bằng khá nhiều thang khác nhau, trong đó nổi bật là ASA (Mỹ) và DIN (Đức). Hệ thống ISO chuẩn chính là kết quả hợp nhất các tiêu chuẩn đánh giá trên.
Máy ảnh kỹ thuật số hiện đại tuy không sử dụng phim, nhưng vẫn dùng thang ISO để đo độ nhạy sáng của camera. Mặc dù không thể thay thế vi xử lý ảnh của máy sao cho phù hợp với đối tượng (không giống như phim), hệ thống thiết kế của máy chụp ảnh hiện đại có khả năng cải thiện đáng kể độ nhạy sáng.
Bộ điều khiển ISO chính là chìa khóa. Bạn hãy tưởng tượng: cân chỉnh ISO cũng giống như khi điều khiển nút âm lượng trên chiếc đài phát thanh. Nếu sóng yếu, bạn có thể vặn cho âm lượng tăng lên bù lại nhằm nghe được giọng nói. Tương tự, người chụp cũng có thể dễ dàng khuếch đại tín hiệu từ cảm biến, nhằm có được tốc độ màn trập nhanh vừa đủ trong điều kiện ánh sáng yếu.
Lợi thế của máy ảnh số
Ưu việt dễ thấy nhất của máy ảnh số so với máy ảnh dùng phim là người chụp có thể đổi ISO cho mỗi lần chụp. ISO trở thành một công cụ mạnh mẽ với các nhiếp ảnh gia, giúp họ có được những thước ảnh sắc nét trong nhiều điều kiện ánh sáng khác nhau.
ISO là tên viết tắt của International Organization of Standardization - Tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn hóa, với hàng ngàn các chuẩn dành cho nhiều loại sản phẩm, quá trình khác nhau. Đối với giới nhiếp ảnh, ISO đơn giản là một dãy số tùy chọn mức độ nhạy sáng. Mức độ nhạy sáng cơ bản trên tất cả các dòng EOS SLR của Canon hiện nay là ISO 100. Mức ISO này có thể tăng lên bằng cách nhấn nút tùy chỉnh phù hợp, tiếp đến xoay đĩa điều khiển (trên một số máy ảnh đời cũ, người chụp có thể thay ISO thông qua bút Menu).
Khi tăng ISO lên gấp đôi, mức độ nhạy sáng của cảm biến cũng tăng lên mức như vậy. Do đó, khi tăng ISO từ 100 lên 200, để có được độ phơi sáng tổng thể tương tự, bạn có thể sử dụng tốc độ màn trập nhanh gấp đôi.
Mỗi lần điều chỉnh tăng gấp đôi ISO cơ bản của máy, độ nhạy sáng cũng vì thế tăng lên các mức tối ưu, chẳng hạn 100, 200, 400, 800, 1600… Thiết lập dải ISO tối ưu này ở mỗi kiểu máy, với giá thành, độ tuổi khác nhau là không giống nhau, có thể từ ISO 3200 tới mức “khủng” ISO 102.400.
Đáng chú ý, một số tùy chọn ISO mức cao trên nhiều mẫu máy thường được “ẩn đi”. Người dùng phải sử dụng dải ISO mở rộng tùy chọn. Lý do, mỗi lần tăng mức ISO, chất lượng ảnh sẽ giảm đi ít nhiều. Khi tăng độ nhạy sáng, ảnh cũng sẽ có độ nhiễu cao hơn, thậm chí lấm tấm hạt, nhất là ở các mức ISO cao.
So sánh chất lượng ảnh với tùy chọn ISO khác nhau. Phần phóng to sẽ cho thấy tỉ lệ nhiễu ở 2 thông số khác nhau trên dải ISO |
Các tình huống cần tăng ISO
Một số “phó nháy” cho rằng việc tăng ISO là chuyện hi hữu, khi chúng có thể ảnh hưởng tới chất lượng của bức ảnh, nhất là việc ảnh có thể bị nhiễu. Tuy nhiên, xét một cách tổng thể, tăng mức nhạy sáng thường mang đến những shot ảnh chất lượng hơn, khi độ ISO cao hơn cho phép bạn sử dụng tốc độ màn trập nhanh, nhờ đó giảm được tình trạng máy rung lắc.
Ngoài ra, không ít người khẳng định một tấm ảnh lốm đốm hạt sẽ đẹp hơn những bức ảnh lờ mờ khó nhìn. Mức ISO cao đồng thời cho phép bạn sử dụng khẩu độ hẹp hơn, nhằm tăng độ sâu trường ảnh và độ phân giải của ống kính. Bức ảnh, do đó, sẽ sắc nét hơn.
Mặc dù mức ISO cao thường tỏ ra rất hữu ích trong điều kiện ánh sáng yếu, chúng thường không quá cần thiết trong các điều kiện ánh sáng hoàn toàn yếu. Trên thực tế, nếu bạn giữ chắc máy ảnh, việc giảm nhiễu là hoàn toản khả thi.
Trong trường hợp sử dụng chân máy vững, mức ISO thấp nhất (ISO 100) thường là lựa chọn tốt nhất, khi bạn có thể sử dụng tốc độ màn trập dài hơn (chậm hơn) để ghi hình trong điều kiện thiếu ánh sáng.
Tương tự, nếu sử dụng đèn flash, mức thiết lập ISO cao là không cần thiết (mặc dù tăng ISO sẽ đồng thời tăng dải ảnh hưởng của flash).
Các loại nhiễu
Có hai loại nhiễu khác nhau thường thấy trên ảnh số. Nhiễu chói thường thể hiện như một đốm nhỏ như các đốm cát đen, còn kiểu nhiễu màu thường sặc sỡ và lộng lẫy như hình cầu vồng.
Hai kiểu nhiễu khác nhau |
Một điều tương đối quan trọng là cần quan sát, xử lý 2 kiểu nhiễu này một cách tách biệt khi chúng có công cụ xử lý riêng. Phần mềm xử lý ảnh RAW của Adobe Photoshop có sẵn bộ lọc làm giảm độ nhiễu của ảnh, ngoài ra phải kể đến các phần mềm Noise Ninja và Dfine cũng là những “thuốc” đắc dụng dành cho việc giảm nhiễu mà không cần lo lắng tới việc hi sinh chi tiết ảnh.
NHẬT VƯƠNG tổng hợp
Nguồn http://nhipsongso.tuoitre.vn/Kien-thuc-Cong-nghe/501077/Co-ban-ve-may-anh-tim-hieu-thong-so-ISO.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét